Theo điều 292 Luật Thương mại, quy định các loại chế tài trong thương mại. Đó là:
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng.
- Phạt vi phạm.
- Buộc bồi thường thiệt hại.
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng.
- Huỷ bỏ hợp đồng.
- Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Trách nhiệm buộc thực hiện đúng hợp đồng
Khi tới thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ phát sinh trách nhiệm. Khi xảy ra việc không thực hiện, thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì trước hết bên có quyền thường áp dụng các biện pháp buộc bên vi phạm tiếp tục thực hiện đúng hợp đồng.
“Điều 297. Buộc thực hiện đúng hợp đồng
- Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh.
- Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng. Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm.
- Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng, nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá, thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý.
- Bên bị vi phạm phải nhận hàng, nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng, thù lao dịch vụ, nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều này.
- Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng và trong Luật này.”
Phạt vi phạm
Khoản 1 điều 422 BLDS quy định: “Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.
Theo Điều 226 LUẬT THƯƠNG MẠI: “Phạt vi phạm là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng, nếu trong hợp đồng có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định.”
Cũng theo quy định tại khoản 3 Điều 422 BLDS: “Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.”
Bồi thường thiệt hại
Điều 303 LUẬT THƯƠNG MẠI quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng;
- Có thiệt hại thực tế;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.”
Tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng
- Tạm ngừng thực hiện hợp đồng:
Tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng mà theo đó, một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuê. Bên bị vi phạm không đương nhiên có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng khi có sự vi phạm mà hình thức chế tài này chỉ được áp dụng trong trường hợp quy định tại Điều 308 LUẬT THƯƠNG MẠI: xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng; hoặc trường hợp một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
- Đình chỉ thực hiện hợp đồng:
Theo Điều 310 LUẬT THƯƠNG MẠI thì đình chỉ thực hiện hợp đồng là hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng, theo đó một bên chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hàng hoá. Chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng mua bán được áp dụng khi có đủ các điều kiện: xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng hoặc một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng và các trường hợp này phải không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng. Hợp đồng bị đình chỉ thực hiện sẽ chấm dứt hiệu lực ngay tại thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ, kể từ thời điểm đó các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của hợp đồng nữa và bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có thể áp dụng cả hình thức chế tài buộc bồi thường theo quy định của pháp luật song song với hình thức chế tài này.
– Hủy bỏ hợp đồng:
Huỷ bỏ hợp đồng là hình thức chế tài, theo đó một bên chấm dứt thực hiện hợp đồng và làm cho hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết. Theo Điều 312 LUẬT THƯƠNG MẠI thì huỷ bỏ hợp đồng bao gồm huỷ bỏ toàn phần, tức là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng; và huỷ bỏ một phần, tức là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
Các biện pháp khác do các bên thoả thuận
Bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận, vì thế luật pháp không chỉ cho phép các bên tự thoả thuận, lựa chọn áp dụng các hình thức chế tài mà luật quy định rõ điều kiện áp dụng, hậu quả pháp lý…mà còn cho phép các bên tự do thoả thuận để đưa ra các hình thức chế tài phù hợp với quy định của pháp luận.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về một số vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến bạn chưa hiểu hết vấn đề hoặc và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của bạn.
Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn trực tuyến, gọi số 0931.105.104 để được giải đáp.
——————————————————
LUẬT SƯ NGUYỄN THỊ MẾN (MLawyer)
✦ Website: https://luatsunguyenthimen.vn/
✦Tổng đài tư vấn: 0931.105.104 (LS Mến)
✦ Email: lsnguyenthimen@gmail.com