Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ điện tử theo Pháp luật Việt Nam – Thực trạng và hướng hoàn thiện

PHẦN 1

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Đối với thị trường bảo hiểm, Đề án cho biết mục tiêu chung là phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực. Tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.  Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%; đến năm 2025 là 3,5%.[1]

Về các giải pháp cơ cấu lại thị trường bảo hiểm, Đề án đã đưa ra một số giải pháp chung như đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Đề án yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Mặt khác, theo số liệu ước tính của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9 năm 2020, tổng doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 40.969 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5.7%; tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 89.914 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy bảo hiểm nhân thọ ngày càng có vị thế trên thị trường.[2]

Hơn nữa, sau hơn 20 năm đổi mới và mở cửa thị trường bảo hiểm, ngành Bảo hiểm Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Cùng với sự lớn mạnh của ngành bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội thông qua đã tạo một nền tảng pháp lý cho hoạt động bảo hiểm nói chung và đặc biệt là kinh doanh bảo hiểm nhân thọ phát triển ở Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả tích cực từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì thực tiễn quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, khi mà quyền và lợi ích của họ chưa thực sự được bảo vệ một cách chính đáng.

Đặc biệt, sự ra đời của internet, mạng viễn thông và các mạng mở khác đã làm thay đổi thế giới, các giao dịch thương mại điện tử nói chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử nói riêng ngày càng phát triển hơn. Cụ thể là trong thời gian gần đây, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển qua giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử ngày càng nhiều. Các doanh nghiệp bảo hiểm phấn đấu trở thành doanh nghiệp công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như tăng tính cạnh tranh của mình. Trong khi đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử nói riêng là một loại hợp đồng phức tạp, mang tính chuyên môn cao do tính đặc thù của đối tượng hợp đồng: tuổi thọ, tính mạng con người là dạng đối tượng khó xác định mức độ rủi ro. Thêm vào đó, giao kết trong môi trường internet, mạng viễn thông, mạng mở khác luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, là vấn đề mà các bên khi thực hiện giao dịch điện tử cần quan tâm các vấn đề về pháp lý có liên quan.

Qua việc rà soát các công trình nghiên cứu liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nói chung, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử nói riêng, tác giả nhận thấy rằng, các công trình nghiên cứu về mặt lý luận và tổng kết thực tiễn về vấn đề hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa nhiều, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu. Đa số chỉ đề cập đến pháp luật kinh doanh bảo hiểm, tập trung khai thác vấn đề về quản lý, kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm…

Xuất phát từ những lý do trên, việc nghiên cứu, đề xuất phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử là hết sức cần thiết để vừa đảm bảo lợi ích cho các bên khi tham gia bảo hiểm nói chung, người tiêu dùng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nói riêng, vừa góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ bảo hiểm ở Việt Nam phát triển, đẩy mạnh sự lớn mạnh của nền kinh tế – xã hội.

Bởi vậy theo tác giả, việc nghiên cứu đề tài “Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử theo pháp luật Việt Nam – thực trạng và hướng hoàn thiện” là rất
cần thiết.

Mục đích nghiên cứu của luận văn là xây dựng cơ sở lý luận về pháp luật hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử, dựa trên cơ sở lý luận đó để đánh giá về thực trạng các quy định pháp luật hiện hành và đưa ra được những giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và hội nhập quốc tế.

Với mục đích như trên, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là:

– Đánh giá tình hình về việc giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử.

– Nghiên cứu thực trạng các quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử.

– Nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử.

Luận văn là công trình nghiên cứu hệ thống lý luận về pháp luật hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử từ quy định về tư cách chủ thể của các bên tham gia hợp đồng, quy định về chữ ký trong hợp đồng bảo hiểm điện tử, bản gốc hợp đồng, thời điểm, địa điểm gửi, nhận các thông điệp dữ liệu trong trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng đến những vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, cũng đưa ra một số thực tiễn áp dụng pháp luật để từ đó đánh giá tương đối toàn diện thực trạng pháp luật hiện hành điều chỉnh về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử.

Do đó, kết quả nghiên cứu từ luận văn đạt được sẽ góp phần bổ sung tri thức trong ngành khoa học pháp lý kinh doanh bảo hiểm nói chung và chuyên ngành Luật kinh tế nói riêng về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ điện tử. Kết quả nghiên cứu của luận văn có tính ứng dụng thực tiễn. Mặt khác, luận văn đóng góp kịp thời những căn cứ khoa học cho việc tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm trong thời gian sắp tới.

(còn tiếp)

[1] Quyết định số 242/QĐ-TTG ngày 28/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025

[2] Thời báo Tài chính Việt Nam, Thị trường bảo hiểm: Duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững, đăng ngày 30/10/2020,

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-bao-hiem-duy-tri-toc-do-tang-truong-on-dinh-ben-vung-26811.html, truy cập ngày 20/2/2021.

 

VỀ CHÚNG TÔI
118E3 Đường số 3 (cuối đường số 3) Khu dân cư Sao Mai, Khu phố Mỹ Tân, phường 7, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre (gần Công an tỉnh Bến Tre)
Thứ 2 - Thứ 6: 8.00 am - 5.00 pm